Một căn hộ đã được chủ nhân cải tạo lại. |
“Bán trả góp căn hộ trong 5 năm với lãi suất 12%. Cụ thể, đối với dạng căn hộ 121m2, khi mua khách chỉ cần đặt cọc 30% (đợt 1 đóng 20%, đợt 2 đóng 10%), 70% còn lại sẽ được trả dần trong vòng 60 tháng với lãi suất 1%/tháng, dư nợ giảm dần…”
Những lời rao quảng cáo bán căn hộ theo hình thức “lạ”, khá hấp dẫn như trên đã xuất hiện ngày càng nhiều trong bối cảnh thị trường trầm lắng…
Dồi dào nguồn cung
|
Chương trình này của Lê Thành được áp dụng từ ngày 15.7.2011. Những căn hộ với diện tích còn lại chỉ khác là trong đợt thanh toán thứ 3, 70% giá trị căn hộ còn lại sẽ được trả chậm trong 50 tháng chứ không phải 60 tháng như căn hộ dạng 121m2.
Tương tự, chủ đầu tư dự án căn hộ chung cư Khang Gia (đường Quang Trung, quận Gò Vấp) cũng vừa đưa ra chương trình khuyến mãi bán nhà trả góp hấp dẫn như: lãi suất thấp 0,25%/tháng, được trả góp trong mười năm không phải chứng minh thu nhập. Nhận nhà mới 100% ở ngay. Diện tích căn hộ từ 62m2 đến 73,5m2 với: một phòng khách, hai phòng ngủ, hai bancông, hai WC… Chỉ cần thanh toán trước từ 300 – 700 triệu đồng là được giao chìa khoá ngay. Giá bán 12 triệu đồng/m2.
Mỗi tháng trả 1m2, đây là phương thức được công ty xây dựng và phát triển nhà Thành Trường Lộc áp dụng với dự án chung cư 4S2 Riverside Linh Đông trên đường số 30 thuộc phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP.HCM. Dự án gồm bốn khối nhà cao từ 15 – 21 tầng với quy mô gần 1.200 căn hộ có diện tích từ 55 – 77m2. Chủ đầu tư đang chào bán căn hộ với giá từ 14,5 triệu đồng/m2, khoảng từ 1,1 – 1,5 tỉ đồng/căn. Trong số các phương thức thanh toán, công ty này đã đưa ra chương trình trả góp mỗi tháng 1m2 giá trị nhà. Theo đó, người mua sẽ thanh toán 20% giá trị nhà để ký hợp đồng thuê mua với chủ đầu tư. Sau đó sẽ thanh toán mỗi tháng 1m2 giá trị nhà trong sáu năm, tức 72 tháng. Người mua sẽ nhận nhà khi đã thanh toán 75% giá trị căn hộ, phần còn lại có thể vay ngân hàng.
Theo thông tin từ công ty, thì đợt bán hàng này sẽ nhắm vào đối tượng người có nhu cầu mua nhà ở thực sự, vì phương thức này ràng buộc người mua không được quyền sang nhượng lại căn hộ trong quá trình trả góp. Trong trường hợp muốn sang nhượng, người mua phải thanh toán xong 95% giá trị căn hộ.
Ở một dự án khác, công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tân Bình chia nhỏ số tiền thanh toán cho khách hàng mua nhà dự án căn hộ Tân Mai tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM. Hồi cuối tháng 7 vừa qua, công ty này chào bán 82 căn trong số 752 căn hộ của dự án với phương thức người mua sẽ thanh toán 50% giá trị căn hộ để nhận nhà. Số tiền 50% còn lại sẽ trả chậm cho chủ đầu tư không tính lãi suất trong 36 tháng. Chẳng hạn như với căn hộ 47m2 có giá trị khoảng 600 triệu đồng, người mua sẽ thanh toán trước 300 triệu đồng. Phần còn lại sẽ trả mỗi chín tháng một lần cho đến hết.
Cũng với phương thức này, công ty phát triển bất động sản Phát Đạt đang thử sức mua của thị trường với chương trình chia nhỏ số tiền thanh toán căn hộ theo thu nhập của người mua căn hộ dự án The EverRich 2 tại quận 7, TP.HCM. Theo đó, phương thức thanh toán của dự án sẽ được chia thành 48 đợt trong vòng bốn năm, với số tiền thanh toán cho chủ đầu tư hàng tháng khoảng 40 triệu đồng.
Theo công ty Phát Đạt thì thị trường căn hộ đang có lợi cho người mua, nhưng phương thức đóng tiền theo đợt cũ chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho người mua. Do vậy, phương thức thanh toán mới này sẽ giúp khách hàng giảm thiểu áp lực về tài chính, lãi vay ngân hàng khi mua nhà trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.
Mòn mỏi chờ khách…
Chính sách bán nhà hấp dẫn như vậy, tuy nhiên, theo một giám đốc doanh nghiệp bất động sản, trong trình trạng thị trường nhà đất hiện nay thì tìm được khách cũng rất khó khăn. Ngoài nguyên nhân từ phía lãi suất thì còn những nguyên nhân đến từ độ an toàn của các hợp đồng mua trả góp hiện nay. Ông phân tích: “Các chủ đầu tư ngại tham gia nhà ở bán trả góp và cho thuê vì chưa có chế tài để thực hiện việc bán trả góp và cho thuê khi số đông người thu nhập thấp hiện không đủ sức chi trả liên tục và khả năng chây ì cao”.
Do vậy, hiện nay nhiều công ty bất động sản đang mạnh dạn tìm phương thức và quy chế mới như: nếu người mua nhà không tiếp tục trả tiền trả góp sáu tháng liên tục, công ty sẽ thu hồi lại nhà. Tuy nhiên, phương thức này rất khó thực hiện bởi vì hợp đồng bán nhà là hợp đồng dân sự, trong khi bộ luật Dân sự lại chưa hề có điều khoản quy định về việc này, nếu đưa ra toà công ty cũng sẽ thua.
Trao đổi với KT&ĐS, luật sư Nguyễn Văn Quynh, đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, do hiện nay tình trạng mua bán nhà trả góp vẫn ở dạng hợp đồng hứa mua hứa bán, hoặc góp vốn chưa có nhiều ràng buộc và chỉ mang tính chất thoả thuận nên rủi ro về mặt pháp lý cao mà bất lợi chủ yếu nghiêng nhiều về phía khách hàng, đặc biệt là với những người mua nhà trả góp hình thành trong tương lai thường gặp nhiều rủi ro hơn so với nhà hiện hữu. Nhiều khách hàng cho biết, hiện nay có tình trạng chủ đầu tư nhận tiền nhưng tiến độ triển khai dự án chậm dẫn đến việc giao nhà chậm. Tương tự, TS Đỗ Thị Loan, tổng thư ký hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đã nhiều lần phân tích trên các phương tiện truyền thông để cung cấp thông tin cho khách hàng về việc mua nhà trả góp. Bà Loan cho rằng, mặc dù đã có một số công cụ pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng, xong đây là quan hệ dân sự, do các bên tự thoả thuận, Nhà nước không can thiệp sâu. Do vậy, theo bà Loan, để tránh được những rủi ro đáng tiếc xảy ra khi mua nhà trả góp, ngoài việc cân nhắc kỹ về tài chính của mình thì người mua cần lưu ý chọn doanh nghiệp có uy tín thông qua các hội, hiệp hội ngành nghề, phương tiện truyền thông, nhà tư vấn, nhà môi giới có uy tín để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Khách hàng nên nhờ luật sư tư vấn và kiểm tra chặt các điều khoản trong hợp đồng mua bán nhà trả góp. Đồng thời, khách hàng cũng phải xác định rõ phần sở hữu chung và sở hữu riêng trong dự án; các loại và mức phí sẽ được áp dụng sau khi bàn giao căn hộ; xem xét phương thức, hình thức thanh toán và mức lãi suất của ngân hàng; có bản phụ lục hợp đồng về tên nhãn hiệu các loại vật liệu được sử dụng cho ngôi nhà, căn hộ.
Bài và ảnh: Nguyên Vũ
Sưu tầm: Masgroup.vn
Post a Comment