[Xây nhà đẹp] - Thành phố xanh là gì? Nó được phát triển từ những ý niệm nào? Tiêu chuẩn để đánh giá là gì? Trên thế giới có những thành phố xanh nào? Việt Nam có thành phố xanh nào hay không? Trong bài sưu tầm này sẽ giải đáp những câu hỏi trên cho các bạn.
Thành phố xanh (green city) được phát triển từ ba ý niệm: sinh thái, tính bền vững và thông minh. Trước hết, nó phải bắt đầu từ một đô thị sinh thái (eco-city), nơi một tỷ lệ đáng kể của cây xanh đóng góp vào sự cân bằng sinh thái trên một địa bàn quần cư đông đúc. Tiếp đến nó phải thể hiện yếu tố phát triển bền vững (sustainable city) với kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, việc khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên và ứng phó hữu hiệu với tình trạng biến đổi khí hậu. Cuối cùng, đô thị này đạt đến cấp độ một thành phố thông minh (smart city) nhờ tích hợp công nghệ thông tin (CNTT) vào việc quản lý, điều hành và phục vụ dân sinh. Bản thân CNTT đã là một hạ tầng cơ sở thiết yếu cho việc phát triển đô thị bền vững.
- Đà Nẵng vừa chính thức công bố định hướng phát triển thành thành phố xanh ở Việt Nam. Ảnh bên là đường Điện Biên Phủ, một trong những con đường xanh và sạch ở khu trung tâm thành phố (Ảnh: Trung Châu)
Phát triển thành phố xanh: nhu cầu và yêu cầu
Đô thị hay thành phố cho dù lớn hay nhỏ, hiện đại hay cổ kính là nơi mà chúng ta thấy rõ nhất những áp lực đè nặng lên cư dân, chính phủ và chính quyền địa phương, đòi hỏi phải giải quyết cấp bách hàng loạt vấn đề kéo dài trong nhiều năm. Một trong những nguyên nhân đến từ năng lực điều hành của các nhà quản lý đô thị. Đã có thời điểm nhiều nhà quản lý cho rằng chỉ cần có vốn thì họ sẽ giải quyết được những căn bệnh của các đô thị liên quan đến vấn đề dân số, y tế, môi trường, giao thông… Nhưng nay, họ hiểu rằng việc tập hợp và phân tích thông tin một cách có hệ thống là rất quan trọng, đây là cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp quản lý, cải tiến và vận hành. Từ đầu những năm 2000, thế giới đã chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ của CNTT vào hệ thống điều hành xã hội. Đi đầu trong mục tiêu này có các tập đoàn công nghệ lớn như IBM, Oracle, Cisco hay Siemens.
Cùng với các chính phủ và các cộng đồng, các nhà cung ứng giải pháp CNTT nhắm tới mục tiêu cải thiện môi trường sống bằng việc đem nhúng các tri thức đã được mã hóa (infused intelligence) vào các hệ thống quản lý, khởi đầu cho thời đại mới mà con người sử dụng CNTT rộng rãi vào việc giải quyết các vấn đề của đô thị như tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, y tế lạc hậu, sử dụng hoang phí các nguồn thực phẩm và năng lượng, sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn tài nguyên… Sự tham gia của CNTT ở đây nhằm bảo đảm giải pháp mang tính khả thi, thực hiện nhanh chóng, ít tốn kém và có hiệu quả cao, góp phần vào việc hình thành môi trường bền vững.
Hai lĩnh vực mà các bên kỳ vọng rằng CNTT sẽ góp phần đạt đến hiệu quả cao trong tiến trình làm xanh thành phố là giảm tải đô thị (unburden the city) và quản lý khôn ngoan (wise management).
Việc giảm tải thành phố được đưa lên hàng đầu bởi đó là yêu cầu mang tính cấp thiết. Các đô thị lớn trên thế giới, đặc biệt ở các nền kinh tế đang phát triển, đều phải đối mặt với vấn đề lượng người nhập cư gia tăng, đường phố luôn đông đúc, trung tâm y tế luôn quá tải, nhu cầu về thực phẩm và nguyên liệu mỗi ngày một lớn và lượng rác thải, khí thải ngày càng lớn. Trong vai trò tạo nền tảng cho thương mại điện tử, hành chính điện tử, y tế điện tử hay hậu cần điện tử, ngành CNTT đã góp phần tích cực vào việc giảm tải và càng phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ giải quyết từng vấn đề theo hướng “thông minh hơn”. Tại bốn thành phố mà IBM triển khai các giải pháp chống kẹt xe khác nhau là Stockholm, London, Brisbane và Singapore, các bản báo cáo ghi nhận lượng xe vào giờ cao điểm giảm đi 18%, khí thải carbon từ xe cộ giảm xuống còn 14% và số người thích sử dụng phương tiện công cộng tăng lên 7%.
Những dẫn chứng từ các thành phố xanh
Các đô thị xanh có thể được hình thành từ hạ tầng căn bản ban đầu hay từ việc cải tạo các thành phố có sẵn. Bên cạnh các thành phố xây mới nhằm tạo nên điểm nhấn đặc trưng của nền văn hóa xanh như Abu Dubai ở Arab Saudi, Dongtan ở Trung Quốc hay Songdo ở Hàn Quốc thì phần lớn các đô thị mới được hình thành bởi tiến trình đô thị hóa tự nhiên như các khu dân cư vượt lũ ở ĐBSCL. Ở đâu chính quyền có tầm nhìn tốt thì ở đó người ta quy hoạch ngay từ đầu một đô thị xanh. Trái lại, họ có thể để cho tiến trình đô thị hóa diễn ra tự phát và rồi đến lúc những dây điện chăng mắc trên các mái nhà, những con người vẫn quen tay đổ rác xuống những dòng kênh, những cơ sở công cộng không có lối vào và những nhà máy nhả khói giữa khu dân cư trở nên quen thuộc!
Việc cải tạo một thành phố thành đô thị xanh không phải là điều dễ dàng. Nhưng trong khi con người không thể chỉ đơn thuần bứng cây xanh đặt vào giữa lòng thành phố thì những giải pháp lại hướng con người theo lối suy nghĩ: đưa thành phố đặt vào giữa lòng cây xanh bằng việc xây dựng các đô thị xanh vệ tinh và thúc đẩy đầu tư vào các giải pháp chuyển hóa thành phố trung tâm thành đô thị thông minh. Đây là con đường tất yếu mà các đại đô thị như TPHCM hay Hà Nội sẽ phải trải qua. Trên thực tế, sự chậm trễ trong việc tích hợp CNTT vào các giải pháp đã làm cho hai thành phố lớn nhất Việt Nam này lún sâu vào các vấn đề nan giải, từ ngập lụt đến khói bụi, từ giao thông đến y tế, từ năng lượng đến rác thải và từ việc làm đến an sinh xã hội!.
Nổi lên trên các đô thị xanh vùng Đông Nam Á là Singapore. Ở đây có sự phát triển hài hòa về mọi lĩnh vực của một quốc gia trong một thành phố. Ở đây người ta không bắt gặp các “căn bệnh kinh niên” của một đô thị. Trong không gian chật hẹp đó có các khu thương mại sầm uất, công sở, trường học và lẽ dĩ nhiên không thiếu các mảng xanh sinh thái. Singapore kiểu mẫu này không phải tự nhiên mà có. Nó được hình thành từ những chiến lược mang tầm nhìn dài hạn, những tính toán quy hoạch, sự quyết tâm và những luật lệ khắt khe cùng cả một quá trình giáo dục công dân. Nhưng trên hết, Singapore ngày nay được vận hành bởi một hệ thống tích hợp CNTT, từ chính phủ điện tử đến công dân điện tử, từ thương mại điện tử đến hậu cần điện tử và từ sự hợp tác giữa chính quyền với các tập đoàn công nghệ như IBM để luôn cập nhật tầm nhìn và xây dựng giải pháp.
Phát triển thành phố xanh ở Việt Nam
Cũng như Singapore, Việt Nam sở hữu nền khí hậu nhiệt đới gió mùa tạo điều kiện phát triển nhanh chóng các mảng xanh. Một dẫn chứng về đô thị xanh vùng ĐBSCL có thể kể đến là Trà Vinh. Các mảng xanh tại đó được hình thành song song với kiến trúc đô thị và được bảo quản nguyên vẹn cho đến ngày nay, từ các hàng cây cao vút ven đường đến các khoảnh rừng giữa phố và các khu vườn làm nơi ẩn mình cho những ngôi chùa cổ kính. Nhiều đô thị sinh thái như thế từ nam chí bắc đã được hình thành dưới thời Pháp thuộc nhưng không mấy thành phố còn được giữ lại cho đến ngày nay. Mảng xanh trong đô thị bị thu hẹp dần một phần do sự thiếu hiểu biết của một nhóm cư dân và cả sự lơ là của nhà quản lý.
Một xu hướng mới đầu tư vào các khu đô thị sinh thái đã được khởi động ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nhưng một hướng đầu tư quan trọng hơn nghiêng về đô thị thông minh được đề xướng bởi các nhà công nghệ toàn cầu như Cisco và IBM đang nhận được sự quan tâm đặc biệt nơi các thành phố lớn.
Vào tháng 10, Đà Nẵng chính thức công bố định hướng phát triển thành thành phố thông minh theo mẫu hình Singapore sau khi đạt được thỏa thuận hợp tác chiến lược với tập đoàn IBM. Trọng tâm của chiến lược hợp tác là hình thành một trung tâm điều hành thông minh. Đó chính là chuỗi các giải pháp nhằm giúp cho thành phố ở mọi quy mô đều có được một cái nhìn toàn cảnh. Trong đó tất cả thông tin, dữ liệu liên quan đến các cơ quan, ban ngành và cộng đồng trên phạm vi toàn thành phố được tập hợp, cập nhật thường xuyên, đồng thời, được kiểm soát ở một đầu mối duy nhất. Trung tâm này cũng chính là nơi quản lý và phân bố kế hoạch sử dụng hay giám sát chặt chẽ các nguồn tài nguyên.
Anh Vũ
Post a Comment