Người vui kẻ hận đâu chỉ vì thầu?

0 comments


[Xây nhà nhỏ đẹp] Vấn đề về chọn nhà thầu thiết kế, thi công cho ngôi nhà nhỏ của bạn đã được đề cập nhiều lần. Hôm nay, tình cờ tìm được một bài viết trên báo Sài Gòn Tiếp Thị thấy rất tâm đắc nên chia sẻ cùng các bạn.


Có người xây xong ngôi nhà gặp ai cũng khoe, sẵn sàng… giới thiệu nhà thầu đã xây nhà mình cho những ai sắp xây nhà. Lại có người xây xong nhà phải ôm hận, ai có hỏi thăm thì bảo: "Ðừng thuê nhà thầu đó”. Nhưng không phải mọi thứ đều tại nhà thầu. Kinh nghiệm của các chủ nhà sẽ giúp bạn đọc một số bài học thực tế để thấy vai trò không nhỏ của các chủ nhà.


"Xây xong là từ mặt nhau"


Mấy năm trước, bà Trần Thị P. kêu thầu xây căn nhà 1 trệt, 1 lầu ở 285/... Cách Mạng Tháng Tám. Ban đầu việc thi công khá trôi chảy, đến khâu hoàn thiện thì phát sinh. Nguyên do vì hợp đồng quá sơ sài. Bà P. nói, "vì không hợp đồng chặt chẽ trên giấy viết tay nên họ đòi thêm các khoản tăng đến 30% trên trị giá công". Bà kể, không chỉ có vậy, khi thi công các phần hoàn thiện, họ nhận được công trình khác bèn rút thợ cứng tay nghề đi, giao cho thợ mới vào nghề nên thi công rất yếu. Họ lát gạch mosaic cho sàn nhà tắm "cứ như tranh trừu tượng", bà P. nói. Ðơn giản như xây cái bục bếp cũng phải đập hai lần vì làm hai vách dựng bàn bếp không thẳng . "Và họ cho đó là phát sinh", bà P. bực bội nói. Trong những tranh chấp phát sinh, bà P. phải chịu thua vì đuối lý. Khi ngôi nhà hoàn thiện cũng là lúc bà "từ mặt ông thầu".

Ông N.Q.H cũng là người đã ôm được một kinh nghiệm như vậy. Ông kể: chuyện xây nhà là chuyện cả đời, vậy mà tôi cứ nghĩ mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều. Mình có diện tích đất chút xíu, xây căn nhà nho nhỏ, không cầu kỳ, vậy thì đâu cần kiến trúc sư, tư vấn làm gì, người ta xây được, mình cũng xây được! Thế là tôi tự xây, xây xong mới "thấm thía"! Ðủ thứ chuyện phải giải quyết, từ chuyện chọn gạch ngói, đến điện nước, rồi chống thấm… mình cứ phải chạy theo nó. “Tính đi tính lại, nếu trước đây mình gõ cửa kiến trúc sư thì ít tốn tiền và thời gian hơn nhiều", ông H. ngậm ngùi nói!

Trường hợp bà P. kể trên cũng vậy. Mấy năm nay bà vẫn ở trong ngôi nhà đó nhưng "tức anh ách". Bà cho biết sắp tới bà sẽ sửa chữa lớn ngôi nhà và rút kinh nghiệm lần trước để lần này không "ôm hận" nữa.

Thiết kế: "ngôi nhà hài hòa như… cô gái đẹp"

"Và đã là cô gái đẹp thì lúc nào, ở đâu cũng vẫn là cô gái đẹp. Ngôi nhà hài hòa cũng như vậy, nó không sợ bị lạc hậu, không sợ bị trộn lẫn với ngôi nhà khác", ông Vũ Khắc Hiếu, chủ nhà 4F, khu phố 2, phường Tân Phong, quận 7 ưng ý với ngôi nhà mới xây của mình và hào hứng kể chuyện với SGTT về quá trình thiết kế, xây dựng.

Ngôi nhà của ông có 7 phòng ngủ, bếp ăn, phòng khách, nhà kho… trên miếng đất 6x18m. Không kể tiền đất, giá thành căn nhà tính luôn vật tư, công, thiết kế là khoảng 2 triệu đồng/m2.

Ðây là ngôi nhà thứ hai mà ông Hiếu xây, ngôi nhà kia xây đã 12 năm trên khuôn viên 4x25m tại đường Ðoàn Nhữ Hài, quận 4. Sau khi người thầu xây căn nhà cho ông từ 12 năm trước giới thiệu một kiến trúc sư, ngay buổi đầu gặp mặt, ông Hiếu trình bày rất rõ ông muốn gì. Ông Hiếu nói: "suy nghĩ về ngôi nhà đã chín trong đầu tôi rồi".

Về mặt thiết kế, ngôi nhà phải hài hòa. Về mặt sử dụng, phải tiện nghi. Tiện nghi ở đây là tiện lợi, là bảo đảm được những không gian sống riêng và chung trong căn nhà. "Ngay cả người giúp việc, nếu trong ngôi nhà của mình có một góc riêng tư cho họ thì họ mới thấy nhà mình cũng như nhà họ, mới chăm lo làm việc cho mình", ông Hiếu nhấn mạnh. Ông Hiếu nói: "Tôi là chủ nhà, đứng ra làm nhà nên ngôi nhà của tôi sẽ khác với ngôi nhà do con trai tôi đứng ra làm riêng. Tôi già rồi nên thiết kế cầu thang phải rộng, chiều cao bậc thang phải hợp lý, cầu thang phải có chiếu nghỉ”. Ông Hiếu kết luận: "Tất cả những điều đó phải trình bày rõ cho kiến trúc sư thì họ mới dễ làm việc. Nếu không đặt vấn đề, nếu không nói đầy đủ thì sẽ khó cho kiến trúc sư”. Ông Hiếu chỉ làm việc với kiến trúc sư khoảng một tháng là ra bản vẽ mặt bằng hoàn chỉnh, đáp ứng đủ các nhu cầu. Quá trình thi công không chỉnh sửa gì nhiều.

Ông Hiếu kể một kinh nghiệm: người thầu xây nhà cho tôi gặp trường hợp làm một ngôi nhà mãi chưa xong. Vì sao? Vì bản thân người chủ không biết họ muốn gì. Ðến chơi nhà khác gặp cái tủ rượu xây âm tường thấy "hay hay", về bắt thợ đập ra làm lại. Hôm sau đi đến chỗ khác gặp cái bếp ăn có kệ rượu thấy cũng "hay hay", thế là về lại phá ra lần nữa. Làm như vậy thì không biết bao giờ mới xong và dù có xong đi nữa thì ngôi nhà cũng sẽ không được như ý muốn vì bản thân nó là những ý tưởng vay mượn, không có gì là của riêng mình. "Gặp những chủ nhà như vậy thì cả thợ lẫn thầu đều sợ, ngôi nhà nát như tương rồi còn gì", ông Hiếu nói.

Thi công: phạt xong, vẫn uống rượu với nhau

Kinh nghiệm trong quá trình thi công, ông Hiếu đặt ra ba yêu cầu mà ông cần giám sát chặt. Thứ nhất là dàn móng. Theo ông Hiếu, đây là điều quan trọng, nếu sai lầm thì còn cực và tốn hơn làm nhà mới. Thứ hai là hệ thống cấp thoát nước. Ông phải trình bày rất tỉ mỉ với thầu, người thiết kế về nhu cầu của mình để họ có thể thiết kế đúng chức năng, đủ đáp ứng nhu cầu về thoát nước, cấp nước. Chẳng hạn phải đặt ra những câu hỏi như liệu có trường hợp nào nước tràn vào nhà hay không, hầm cầu thế nào thì phù hợp với số nhân khẩu của gia đình? Thứ ba là hệ thống điện, phải đặc biệt chú ý đến an toàn và đủ công suất cho các nhu cầu.

Về trường hợp này, một chủ nhà trên đường Hồ Văn Huê đã lãnh đủ. Ông phải thay toàn bộ hệ thống dây điện thoại, ăng-ten đã nhờ thợ điện gắn âm trong tường vì không đạt chất lượng. Ông kết luận: “khi xây nhà, giá rẻ nhất chưa chắc là kinh tế nhất".

Trả lời câu hỏi của SGTT về việc nếu cứ theo giám sát kỹ như vậy thì thầu và thợ có khó chịu hay không, ông Hiếu nói: "Sau khi xây xong căn nhà, tôi hoàn toàn ưng ý và có thể nói rằng quan hệ với nhà thầu, với từng tốp thợ cũng rất tốt. Vấn đề là phải rõ ràng, rành mạch, ra điều kiện trước và cứ chiếu theo đó mà làm. Tôi đã từng phạt anh thợ cửa không thanh toán 1 triệu đồng nhưng anh ta chịu là tôi phạt đúng và bây giờ chúng tôi vẫn có thể ngồi uống rượu với nhau".

Các nhà chuyên môn nói gì?

Kỹ sư Quách Minh, giám đốc công ty xây dựng Bình Ðịnh cho biết, có thể nhận diện hoạt động của nhà thầu qua nhiều cấp độ đã hình thành và tồn tại trong thị trường: dạng chuyên sửa chữa nhỏ hay xây nhà cấp 3- 4 như nhà trệt, nhà có gác. Thường nhà thầu dạng này không cần bản thiết kế, bản vẽ... và chủ yếu chủ nhà khoán công. Cao hơn một chút là nhà thầu chuyên làm các loại nhà đúc ở quy mô nhỏ. Thường họ lấy bản vẽ “đơn giản” để xin phép xây dựng và thế là nhà thầu thực hiện luôn; không có các bản vẽ chi tiết. Dạng này, thoạt nhìn bên ngoài cũng sáng sủa, kiểu này kiểu kia nhưng "bên trong thì sai quy phạm kiến trúc rất nhiều". Do cạnh tranh để nhận được thầu nên họ thường đưa ra giá thấp; sau đó để bù lại cái “giá hẻo”, họ thường tạo những phát sinh trong thi công để “ăn công”. Trường hợp bà P. như đã nói ở trên có thể đã gặp dạng nhà thầu này.

Dạng nhà thầu có thương hiệu thường có thiết bị thi công tốt, tay nghề thợ khá và chuyên xây nhà đúc quy mô lớn hơn hay biệt thự; quan tâm đến chất lượng công trình. Và công trình phải có bản thiết kế, bản vẽ chi tiết đúng quy chuẩn thì họ mới nhận thi công. Ngoài ra còn dạng thầu chuyên nhận xây dựng và trang trí các quán, bar, nhà hàng... mang tính thẩm mỹ cao; chăm lo nhiều về cái đẹp cho công trình. Dạng thầu này thường đi đôi vừa có kiến trúc sư thiết kế vừa có kỹ sư xây dựng cùng tham gia như một nhóm.

Nguyễn Tâm - Hưng Long


Ba yếu tố ban đầu để chọn nhà thầu
  • Nhà thầu nhất thiết phải có trang thiết bị, máy móc đúng chuẩn như cốp-pha, dàn giáo, máy đo...; không sử dụng cây tạp, mục có tính chắp vá, tạm bợ làm cốp pha. 
  • Thứ hai, nhà thầu phải là những người trong ngành có bằng cấp như kỹ sư xây dựng. Như thế, công trình mới bảo đảm chất lượng và an toàn trong sử dụng. 
  • Thứ ba là nhà thầu phải có tư cách pháp nhân, bản thân họ tự đóng dấu để chịu trách nhiệm lâu dài, chứ không thuê con dấu".
(Theo KTS Hoàng Hùng, Hội Kiến trúc sư TP.HCM)

Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Post a Comment

 
TOP