[Kiến trúc nhà nhỏ] Thiết kế cảnh quan liên quan chủ yếu đến không gian mở còn lại giữa các công trình, làm cho không gian đó đẹp hơn nhờ các giải pháp thiết kế, xử lý không gian, xử lý tầm nhìn và sự phối hợp tinh tế giữa các bề mặt vật liệu khác nhau.
Thiết kế cảnh quan là một thuật ngữ chuyên môn và là một ngành thiết kế mới xuất hiện chính thức trong khoảng mươi năm gần đây trong giới thiết kế và các công trình kiến trúc ở Việt Nam, mặc dù đây là một định nghĩa hoàn toàn không mới về nghề nghiệp và chuyên môn tại các nước phát triển.
Nguồn gốc sâu xa của thiết kế cảnh quan xuất phát từ việc trang trí vườn tược và công viên cho các cung điện, đền đài và các công trình tôn giáo ở châu Âu khoảng thế kỷ XVII-XVIII. Các công trình ở thời điểm đó mang nặng tính chất phục vụ tôn giáo và giới quý tộc nên việc thiết kế cảnh quan và vườn tược cũng không thoát khỏi khuôn mẫu định sẵn.
Khi đô thị phát triển và bùng nổ, thoát khỏi sự kiểm soát của giáo hội thì thiết kế cảnh quan mới bắt đầu có điều kiện tiếp cận đến nhiều loại không gian như công viên đô thị, quảng trường, đường phố... Từ khoảng giữa thế kỷ XX, thiết kế cảnh quan được chính thức nâng lên thành một định nghĩa chuyên môn nghề nghiệp ở tầm toàn cầu cùng với ngành thiết kế đô thị.
Một cách ngắn gọn và dễ hiểu, thiết kế cảnh quan liên quan chủ yếu đến không gian mở còn lại giữa các công trình, làm cho không gian đó đẹp hơn nhờ các giải pháp thiết kế, xử lý không gian, xử lý tầm nhìn và sự phối hợp tinh tế giữa các bề mặt vật liệu khác nhau. Các giải pháp thiết kế bao gồm giải pháp về cây trồng, điêu khắc, ánh sáng, vật dụng ngoại thất (ghế đá, trụ đèn, thùng rác...).
Do thiết kế cảnh quan khá mới mẻ ở Việt Nam (ở góc độ chuyên môn nghề nghiệp một cách chính thống) và nhiều nước đang phát triển, nên trong xã hội còn tồn tại những quan điểm cần làm rõ.
Thiết kế cảnh quan đồng nghĩa với làm vườn?
Đây là một trong những ngộ nhận rất phổ biến. Thiết kế cảnh quan ngày nay không đồng nghĩa với “làm vườn”, tuy ở một quy mô rất nhỏ, nó có thể giống nhau phần nào.
Thiết kế cảnh quan hiện đại ngày nay là một chuyên ngành cần sự phối hợp đa ngành, trong đó giải pháp về cây trồng chỉ là một thành tố trong chuỗi cảnh quan.
Như đã đề cập ở trên, thiết kế cảnh quan cần đến chuyên môn của ngành kiến trúc với các nhận thức phù hợp về không gian, thẩm mỹ, vật liệu; cần đến chuyên môn của ngành nông lâm với kiến thức về cây trồng; cần đến sự phối hợp của điêu khắc gia, các chuyên gia thiết kế tạo dáng sản phẩm (industrial design); cần đến chuyên môn của các kỹ sư hệ thống (chiếu sáng, cấp thoát nước)...
Theo DNSG (ThS-KTS. Trần Thái Nguyên)
Post a Comment